CHUYỆN ĐƯỢC MẤT (3)

Ngày đăng: [Tuesday, December 28, 2010]
Để tiếp tục loạt bài Chuyện được mất trong chủ đề kinh tế cũng là chính trị kỳ này của Nguyễn Xuân Nghĩa các bạn cần đọc 2 bài liên quan kỳ trước: Chuyện được mất 1chuyện được mất 2. Bài này giải thích rõ cho bài Chú Sam của tôi.

Đồng thời các bạn cần nghiên cứu địa chính trị A Phú Hãn (Afghanistan) tại sao quá quan trọng mà, nó đã từng là vũng lầy của Liên Bang Xô Viết cũ 10 năm, để cuối cùng cạn kiệt kinh tế trong chạy đua vũ trang thời chiến tranh lạnh và là một trong những lý do góp phần và sự sụp đổ Liên Xô và Đông Âu hồi cuối thấp kỷ 1980s và đầu 1990s của thế kỷ trước. Và bây giờ A Phú Hãn vẫn còn là vũng lầy của Mỹ trong gần 2 thập niên qua sau khi người Nga đành phải trao lại cho Mỹ. Nên tôi đưa bản đồ A Phú Hãn và một đoạn ngắn về biên giới A Phú Hãn để mọi người hình dung sự quan trọng của A Phú Hãn.

A Phú Hãn là một nước Châu Á. Tuỳ theo mốc quy chiếu mà A Phú Hãn được xem là một nước thuộc Trung hoặc Nam Á. Vị trí địa lý của nó cực kỳ quan trọng với các cường quốc vì nó là một trong những quốc gia thuộc con đường Tơ Lụa từ Á sang Âu và ngược lại. Biên giới của Á Phú Hãn gắn liền với một số đại quốc gia Á Âu trong chiều dài lịch sử tranh cường như sau: Đông và Nam giáp với Pakistan để đến Ấn Độ. Tây giáp với Iran. Phía Bắc giáp với Turkmekistan, Uzbekistan và Tajikistan thuộc Liên Xô cũ. Đông Bắc giáp với Trung Quốc.

Từ đó các bạn sẽ thấy rằng: muốn nhìn một thế giới ở tầm vĩ mô các bạn không chỉ nắm về các vấn đề lịch sử mà còn địa lý, kinh tế, chính trị và nhiều lĩnh vực khác. Để là một người có tư duy độc lập các vấn đề, đòi hỏi phải có một kiến thức toàn diện vững vàng, mà không bị ảnh hưởng bỡi các luồng tư tưởng khác. Bây giờ xin các bạn đọc bài chính của Nguyễn Xuân Nghĩa trong loạt bài này.

Nguyễn Xuân Nghĩa
Những đòn phép trong năm sắp tới...
Theo thông lệ, bài tổng kết cuối năm thường phải đưa ra dự báo cho năm tới, dù có thể... sai bét nếu là về kinh tế. Huống hồ kinh tế quốc tế. Nhưng ít ra, việc dự báo cũng vẽ được một lộ trình hay vạch ra một cơ sở của những đòn phép chính trị để độc giả có thể so sánh sau này.
Trước hết là chuyện kinh tế chính trị Hoa Kỳ.
***
Trận chiến Hoa Kỳ
Sau khi cử tri phản ứng bằng lá phiếu, Tổng Thống Barack Obama lập tức hiểu ra luật chơi mới khi đảng Cộng Hòa chiếm lại đa số tại Hạ Viện và có thế mạnh hơn ở Thượng Viện. Ông bèn thỏa hiệp với Cộng Hòa bất chấp sự phản đối của cánh tả đảng Dân Chủ và đạt kết quả ngoạn mục. Quốc Hội “vịt què” sắp mãn nhiệm đã thông qua một số đạo luật giúp tổng thống mau mắn ban hành. Nhiều người hy vọng là kỷ nguyên “sống chung hòa bình” bắt đầu và Quốc Hội khóa 112 nhậm chức từ ngày Thứ Hai mùng 3 tới đây sẽ hợp tác với Hành pháp để giải quyết nhiều vấn đề nghiêm trọng của nước Mỹ. Sự thật sẽ khó được như vậy.

Vì câu hỏi đặt ra là “giải quyết theo hướng nào?”

Những thỏa hiệp vào giờ chót giữa ba phe, Cộng Hòa bảo thủ, Dân Chủ cấp tiến và Hành pháp mất đa số tuyệt đối, đều có nội dung câu giờ, trì hoãn thêm hai năm các quyết định lớn lao - như chuyện giảm thuế - hoặc chuyển giao hồ sơ cho Quốc Hội mới. Phe cực tả bên đảng Dân Chủ thật ra chưa nhượng bộ, lãnh tụ phe này là Dân Biểu Nancy Pelosi còn tránh không dự lễ ký kết đạo luật giảm thuế. Phe cực hữu bên đảng Cộng Hòa cũng chẳng kém: “Cử tri đưa chúng tôi vào Quốc Hội là để chặn đứng ông Obama. Chứ không để hợp tác.”

Cho nên chúng ta sẽ chứng kiến nhiều màn chính trị nháng lửa tại Hoa Kỳ.

Lý do là trong năm 2011, từ chuyện quốc kế dân sinh đến an ninh và đối ngoại, cánh tả sẽ quyết liệt ủng hộ tổng thống khi ông đứng cùng quan điểm với họ. Và lập tức đả kích ông là “phản bội quyền lợi của quần chúng nhân dân lao động và thành phần trung lưu” khi ông thỏa hiệp với phe Cộng Hòa. Bên đảng Cộng Hòa cũng vậy, mỗi khi muốn thỏa hiệp thì thành phần ôn hòa phải canh chừng sự phê phán gay gắt của cánh hữu và phong trào “Tea Party” nếu họ không triệt để tiết giảm công chi, tiến đến quân bình ngân sách và giản lược hóa toàn bộ hệ thống thuế khóa.

Ðâm ra tình trạng phân cực “tả hữu” xuất hiện gay gắt hơn ngay trong hai đảng và việc giảm chi để quân bình ngân sách có thể bị cản vì ách tắc chính trị và sẽ chi phối cuộc tổng tuyển cử năm 2012. Trong năm 2011, chúng ta sẽ còn trở lại chuyện này khi phân tách nội dung chính trị của từng đề nghị về kinh tế.
***
Trung Quốc, Ấn Ðộ, Pakistan và Nga
Trong khi chính trường Hoa Kỳ là một chiến trường với nhiều trận đánh du kích từ hai cánh cực đoan ở hai phe tả hữu, các quốc gia khác trên thế giới sẽ không ngồi yên. Nhất là các cường quốc đối thủ của Mỹ.

Trung tuần tháng 12 vừa qua, khi chính trường Mỹ còn tiêu hóa kết quả bầu cử thì Thủ Tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc đã thăm tiểu lục địa Nam Á: Ấn Ðộ ba ngày và Pakistan hai ngày. Ấn Ðộ và Cộng Hòa Hồi Quốc Pakistan là hai nước cựu thù. Họ Ôn dẫn một phái đoàn doanh gia hùng hậu và kẹp nách tập chi phiếu rất dầy để thăm viếng cả hai.

Ông kết thúc chuyển Ấn du với một loạt hợp đồng trị giá 16 tỷ đô la. Ðây là con số tối đa và lý thuyết, nhưng vượt xa số cam kết của Tổng Thống Obama với Ấn Ðộ (10 tỷ) và của Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy trước đó (13 tỷ). Trong canh phé quốc tế này, Bắc Kinh đã đi tiền rất mạnh ngay từ lá bài đầu.

Ấn Ðộ là đối thủ lâu đời của Trung Quốc và đang có tỵ hiềm nặng với Pakistan, vậy mà vẫn tiếp nhận một lượng tín dụng rất lớn của các ngân hàng Bắc Kinh trong ngân khoản 16 tỷ. Chuyện ấy rất đáng chú ý khi ta nghĩ đến quy luật “kinh tế cũng là chính trị.”

Từ Ấn Ðộ bước qua Pakistan, Ôn Gia Bảo còn có cử chỉ ngoạn mục hơn.

Pakistan là đồng minh kỳ cựu của Trung Quốc từ thời Chiến Tranh Lạnh khi Ấn Ðộ liên kết với Liên Bang Xô Viết. Bây giờ, Pakistan còn nắm chìa khóa cho bài toán của Hoa Kỳ và Ấn Ðộ tại A Phú Hãn nên càng có vị trí then chốt. Vì vậy mới được Bắc Kinh viện trợ khá dồi dào: 229 triệu đô la tái thiết vùng bị lũ lụt hồi mùa Hè, 400 triệu tín dụng vô điều kiện - hấp dẫn vô cùng, chứ không khắt khe như viện trợ Mỹ - và rất nhiều dự án khoáng sản, kỹ nghệ nặng, hải dương, điện tử và không gian, v.v... trị giá gấp đôi các dự án với Ấn Ðộ. Tổng cộng là 35 tỷ đô la!

Nhưng Ấn Ðộ không thể không thấy dụng tâm của Trung Quốc trong quan hệ tay ba đó.

Trong các hợp đồng với Pakistan - kể thêm dự án tân trang một quân cảng của Bangladesh tại Vịnh Bengal - có các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở nối liền Tân Cương của Trung Quốc với xa lộ Karakorum và hải cảng Gwadar của Pakistan. Kỹ sư và Công binh Trung Quốc đã tiến sâu hơn vào lãnh thổ Pakistan - ngay trên nóc nhà của Ấn. Vì vậy, các hợp đồng trị giá 16 tỷ với Trung Quốc không đẩy lui nỗi lo của lãnh đạo Ấn Ðộ.

Ðấy là lúc người ta để ý tới chuyến Ấn du của Tổng Thống Liên Bang Nga Dmitri Medvedev hôm 20 tháng 12 vừa qua.

Nga đang hâm nóng quan hệ truyền thống với Ấn Ðộ qua dự án Tổng Thống Medvedev ký kết hôm sau với Thủ Tướng Ấn Mahmohan Singh: khai triển loại chiến đấu cơ tàng hình đời thứ năm để từ nay đến 2030 sản xuất từ 250 đến 300 chiếc. Trị giá: 30 tỷ đô la! Song song, Nga giúp Ấn đẩy mạnh kỹ nghệ năng lượng hạch tâm và công khai ủng hộ Ấn trong các hồ sơ nhạy cảm nhất: mời Ấn Ðộ chính thức gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải - ngang hàng Trung Quốc cùng các nước Trung Á - và thành hội viên thường trực của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, là điều xưa nay Bắc Kinh vẫn cực lực phản đối. Chưa biết chuyện hợp tác Ấn-Nga sẽ tiến đến đâu nhưng tất nhiên là Trung Quốc không mấy vui về điều ấy.

Khi đó, ta mới thấy ra một vòng liên hoàn có tâm điểm là A Phú Hãn, mối quan tâm ưu tiên của Hoa Kỳ.

Nhận viện trợ để hợp tác với Mỹ, Pakistan đòi bắt cá hai tay: vừa nhờ Mỹ ngăn chặn Taliban tại Pakistan vừa hợp tác với Taliban tại A Phú Hãn để khống chế xứ này sau ngày Mỹ rút nhưng lại e ngại ảnh hưởng của Ấn Ðộ tại A Phú Hãn. Ấn Ðộ đang cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ nhưng vẫn phải canh chừng Pakistan và Trung Quốc nên càng tận dụng lá bài Liên Bang Nga, một quốc gia đã củng cố được ảnh hưởng bị mất tại khu vực phiên trấn cố hữu và nay muốn có thế lực mở rộng hơn. Cho nên, cuộc thi đua giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn tiếp tục mà không chỉ giới hạn vào khu vực Ðông Á...

Vì vậy, nếu có dự đoán về tình hình 2011, ta thấy ra mớ bòng bong rắc rối, điểm xuyết bằng các dự án hợp tác kinh tế trị giá bạc tỷ. Và Hoa Kỳ không là quốc gia hào phóng nhất mà lại đang cần sự hợp tác của ngần ấy quốc gia!
***
Thế lớn mà lực nhỏ của Trung Quốc
Nhưng cường quốc rộng chi nhất là Trung Quốc cũng không hẳn là ung dung tự tại vì nhiều vấn đề nội tại bên trong.

Ðúng ngày Giáng Sinh, Trung Quốc quyết định nâng lãi suất - lần thứ nhì trong hai tháng - vì lạm phát đã tăng quá 5%, chuyện chưa từng thấy từ nhiều năm nay. Ngay hôm sau, Thủ Tướng Ôn Gia Bảo trấn an dân chúng rằng chính quyền sẽ kiểm soát được vật giá chứ không để lạm phát hoành hành. Chúng ta có thể kết luận rằng trong khi kinh tế Mỹ vẫn èo uột thì đà tăng trưởng hơn 9% của Trung Quốc khiến lãnh đạo xứ này sợ kinh tế bị nóng máy nên phải có biện pháp hạ nhiệt để hạ cánh an toàn.

Sự thật lại không được như vậy.

Trước hết, Trung Quốc đang sợ nguy cơ bong bóng đầu tư - có thể bể trong năm 2011, theo dự báo của nhiều tổ hợp đầu tư quốc tế - nên trù tính thử nghiệm kế hoạch tăng thuế thổ trạch để trái bóng bị xì mà khỏi bể. Kế hoạch thử nghiệm đó lại bị đình hoãn và trong khi Bắc Kinh nâng lãi suất để hạn chế tín dụng và đẩy lui nguy cơ lạm phát thì cũng đưa ra chỉ tiêu tín dụng cho năm tới là bẩy ngàn 500 tỷ Nhân Dân tệ (một ngàn 100 tỷ đô la) - y hệt năm nay: tăng trưởng vẫn là ưu tiên.

Trung Quốc có hai nhu cầu mâu thuẫn là hạ nhiệt kinh tế và cải cách chiến lược phát triển.

Cả hai đều khó đạt nên lãnh đạo xứ này vừa tống ga - giữ nguyên số tín dụng để đạt mức tăng trưởng cao - vừa đạp thắng - nâng lãi suất và sẽ còn tăng mức dự trữ pháp định của ngân hàng - và bàn giao việc cải cách cho thế hệ lãnh đạo kế tiếp, được bầu lên từ Ðại hội khóa 18 vào năm 2012. Nghĩa là lãnh đạo đời thứ tư - Hồ Cẩm Ðào và Ôn Gia Bảo - không kịp lấy quyết định chuyển hướng nên trao lại vấn đề cho thế hệ sau, của Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường và Bạc Hy Lai... Việc trì hoãn ấy khiến vấn đề sẽ càng khó giải quyết hơn.
Khi ấy, người ta mới để ý tới lớp người sẽ lãnh đạo sau này.

Có thể thay thế Hồ Cẩm Ðào làm chủ tịch và thuộc phe “Thái tử đảng,” Tập Cận Bình được Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đề bạt và ra mặt đố kỵ họ Hồ. Thuộc “đoàn phái” như Hồ Cẩm Ðào vì từ Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản lên, Lý Khắc Cường có thể là thủ tướng với chủ trương cải cách, nhưng sẽ gặp trở ngại ngay trên đầu, từ Tập Cận Bình và các phe phái còn lại của Giang Trạch Dân.

Ðã thế, bí thư Trùng Khánh ngày nay, Bạc Hy Lai là một nhân vật quái dị khác trong lớp lãnh đạo mới: cũng thuộc thành phần con ông cháu cha như Tập Cận Bình, họ Bạc nổi tiếng thanh liêm và diệt trừ tham nhũng theo kiểu... Mao. Người đầu tiên tận dụng các phương tiện hiện đại của mạng lưới xã hội - kiểu Twitter, YouTube hay Microblogs - chính là Bạc Hy Lai. Nhưng để quảng bá... tư tưởng Mao Trạch Ðông trong chiến dịch phát huy “văn hóa đỏ” vào lớp trẻ.

Khi chủ nghĩa Ðại Hán được nhuộm đỏ và khuếch âm bằng khẩu hiệu Mao Trạch Ðông, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều chuyện rất ly kỳ. Có khi là kỳ cục!

Tức là trong khi Hoa Kỳ bị ách tắc chính trị giữa hai phe tả hữu, Trung Quốc cũng gặp hiện tượng tương tự trong nội bộ và khó giải quyết vấn đề cấp bách là cải tổ cơ chế kinh tế và chiến lược phát triển. Cho nên, trong năm 2011, nếu ta có thấy nhiều màn du kích chiến trong chính trường Mỹ - chuẩn bị cho việc đổi ngôi vào năm tranh cử 2012 - thì Trung Quốc cũng có nhiều màn đấu đá gay gắt. Khi ấy, mọi quyết định kinh tế cũng đều có ẩn ý chính trị, mà mình cần nhìn cho ra.

Ðể thấy rằng Bắc Kinh không thể tự tung tự tác trên thế giới như nhiều người vẫn lo sợ.
***
Liên Âu âu sầu
Sau cùng, vì kinh tế cũng là chính trị, nên năm 2011 có thể là một năm thử thách cho Liên hiệp Âu châu. Hôm 16 tháng 12 vừa qua, nguyên thủ các nước Âu Châu lại tái diễn chuyện cố quá mà có khi thành quá cố cho đồng Euro.

Chúng ta nên nhớ lại bối cảnh làm cơ sở thẩm xét những chuyện sắp tới.

Trên đà hồ hởi sau khi Liên Xô tan rã và Chiến Tranh Lạnh kết thúc, năm 1992, các nước Âu Châu quyết định hội nhập về chính trị để lập ra Liên Hiệp Âu Châu. Sau đó, vào năm 1999, một số nước Liên Âu còn thống nhất tiền tệ để lập ra khối Euro. Mười năm sau, kiến trúc hoa mỹ về chính trị và kinh tế đó bắt đầu rạn nứt mà ban đầu người ta nhìn không ra, cứ đổ lỗi cho vụ khủng hoảng tài chánh tại Hoa Kỳ năm 2008.

Cơ chế chính trị Liên Âu không là thể chế liên bang như Hoa Kỳ nên gặp mâu thuẫn đầu tiên là từng quốc gia hội viên trao cho hệ thống Liên Âu một số quyền lực nhất định nhưng vẫn giữ lại nhiều quyết định thuộc chủ quyền quốc gia. Hệ thống Liên Âu vì vậy có một số thẩm quyền tiêu cực mà không có khả năng cưỡng hành tích cực. Các nước xé rào để trục lợi trong thế liên hiệp thật ra không bị chế tài và quan trọng nhất, Liên Âu không có quân đội hay hệ thống thuế khóa thống nhất để đòi các hội viên phải chấp hành. Ngược lại cơ chế siêu quốc gia - Hội Ðồng Liên Âu hay Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu - không thể có quyết định lớn nếu không được tất cả hội viên đồng ý, nên thực tế là không có thực quyền và khó linh động đối phó với những biến động và dị biệt quá lớn bên trong.

Sau giải pháp chính trị nửa vời đó, chuyện hoang tưởng thứ hai là Âu Châu muốn là một lực đối trọng với cái thế độc bá của Hoa Kỳ nên muốn đồng Euro thành phương tiện giao hoán có thể cạnh tranh với Mỹ kim. Trong 10 năm liền, đồng Euro đứng vững nhờ kinh tế Cộng Hòa Liên Bang Ðức với ưu thế và kỷ cương của dân Ðức. Vì vậy, nhiều quốc gia đã ỷ thế mà tăng chi bừa phứa và vay mượn lung tung cho tới khi gặp nguy cơ vỡ nợ khi thế giới bị vụ tổng suy trầm 2008-2009.

Hàng ngàn tỷ đã được tung ra mà không đẩy lui được khủng hoảng và các nước sau đây đã và sẽ còn bị chấn động nặng: Ái Nhĩ Lan (Ireland), Hy Lạp, Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha, Ý Ðại Lợi, Bỉ và Pháp. Bây giờ, Âu Châu phải chấn chỉnh chi thu và giải quyết hàng loạt vấn đề: trả nợ đậy cho các khách nợ bị phá sản, giăng lưới trợ cấp cho các quốc gia bị khủng hoảng và cứu vớt đồng Euro. Tốn kém sơ sơ có thể là ba ngàn tỷ đô la. Những ai sẽ thanh toán các khoản chi tiêu vĩ đại này? Và có chính quyền nào chấp nhận chi tiền mà không đòi quyền kiểm soát việc chi tiêu vô trách nhiệm của xứ khác không?

Suốt năm 2010, nhiều vụ xuống đường biểu tình và đập phá đã bùng nổ và đe dọa mọi chính sách kinh tế khắc khổ và mọi chính quyền có ý cải cách. Vì vậy, Âu Châu sẽ gặp bế tắc, đồng Euro có thể vỡ thành nhiều mảnh và giải pháp hợp lý mà không hợp tình là nước Ðức sẽ đòi cải tổ cơ chế kinh tế và chính trị Âu Châu để kiểm soát được việc chi thu và thậm chí cả chánh sách tài chánh của xứ khác. Nếu không? Ðèn nhà nào nhà ấy rạng, mạng người nào người ấy giữ!

Cả hai trường hợp đều khó nuốt như nhau và năm 2011 sẽ còn là một năm sóng gió cho Âu Châu. Còn dữ dội hơn những đòn phép chính trị tại Hoa Kỳ.
***
Năm Canh Dần 2010 là một năm có quá nhiều thiên tai và biến động, từ ngày đầu năm đến những ngày cuối. Ai cũng mong ước là qua năm Tân Mão 2011 tình hình sẽ lắng đọng hơn và thế giới hồi phục sau vụ Tổng suy trầm kinh tế 2008-2009, nhưng sự tình có khi lại chẳng được như vậy. Xin hãy cài dây lưng an toàn và chờ xem kết quả trong bài tổng kết năm tới.


Nguồn: Thế Chính Trị và Lực Kinh tế

Tư gia, 22h11' ngày thứ Ba, 28/12/2010 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét