CHUYỆN ĐƯỢC MẤT (2)

Ngày đăng: [Wednesday, December 15, 2010]
Nguyễn Xuân Nghĩa
Sau cuộc bầu cử tháng 11, khiến đảng Cộng Hòa chiếm đa số rất mạnh tại Hạ Viện và đoạt thêm ghế tại Thượng Viện, khung cảnh chính trị của Hoa Kỳ đã đổi khác. Khung cảnh kinh tế thì chưa: Sản xuất còn èo uột, thất nghiệp còn cao và tờ lịch vẫn nhảy dần tới kỳ hạn oái oăm: kể từ đầu năm 2011, thuế suất người dân phải thanh toán sẽ tăng trở lại tới mức cũ, của thời Bill Clinton. Chính là khung cảnh kinh tế u ám đã dẫn tới kết quả bầu cử như một cơn động đất chính trị và khi kinh tế còn ảm đạm mà lại tăng thuế thì tả hữu gì cũng đều khốn đốn.

Hoàn cảnh kinh tế bấp bênh trong khung cảnh chính trị đổi khác khiến Quốc Hội và Hành pháp phải tính lại. Ðó là kết hợp yếu tố chính trị mới vào việc giải quyết vấn đề kinh tế cũ và phải thỏa nhượng.

Thứ Sáu mùng ba, khi ông Obama thông báo việc thỏa nhượng thì Bộ Lao Ðộng công bố một thống kê còn bi đát hơn về mức thất nghiệp của tháng 11: Từ 9.6 tăng lên 9.8% lực lượng lao động. Những lập trường quan điểm đang được trình bày đều có lý cớ là “giải quyết chuyện kinh tế và việc làm” nhưng lý do thật là bày binh bố trận cho cuộc tổng tuyển cử 2012.
***
Tổng Thống Barack Obama và đảng Cộng Hòa đi vào bước kết hợp hay chuyển hướng đó với một thỏa thuận mới về thuế khóa. Trên đại thể, ông Obama nhượng bộ phe Cộng Hòa khi đồng ý sẽ hoãn việc tăng thuế thêm hai năm, kể cả cho thành phần giàu có - những người có lợi tức trên 200 ngàn hay những gia đình có lợi tức trên 250 ngàn. Ngược lại, ông cũng đòi hỏi một số nhượng bộ từ phía Cộng Hòa, nổi bật nhất là việc triển hạn trợ cấp thất nghiệp thêm 13 tháng.

Chìm bên trong thỏa thuận là nhiều quyết định tăng chi để kích thích kinh tế - mà trừ ông Clinton, không ai dám dùng chữ “kích thích” nữa vì sự thất bại của kế hoạch kích thích trị giá hơn 800 tỷ vào năm 2009 - với kết quả là hơn 800 tỷ nữa sắp được bơm vào kinh tế trong hai năm tới. Tức là ngân sách sẽ bị bội chi nữa!

Suốt tuần qua, chính trường ráo riết tranh luận về thỏa thuận này. Cánh tả đảng Dân Chủ thì bất bình về sự nhượng bộ của tổng thống đến độ ông Obama phải mời nguyên Tổng Thống Clinton vào cứu giá: Ðứng ra họp báo tại Tòa Bạch Cung để bênh vực quyết định ấy. Ða số phía Cộng Hòa thì ủng hộ, nhưng một số người theo xu hướng bảo thủ - tự do về kinh tế với gánh thuế khóa nhẹ hơn - thì vẫn phàn nàn là bị ông Obama gài bẫy để lại tăng chi. Và họ đòi hỏi nhiều hơn, như cải tổ toàn bộ hệ thống thuế khóa rườm rà và nặng nề để giải phóng sức sản xuất của tư doanh.

Cuộc tranh luận vừa chuyên môn vừa chính trị đã gây nhiễu âm - sự ồn ào vô ích - khiến nhiều người khó biết được lẽ đúng sai của sự thỏa nhượng. Theo dự báo thì Thượng Viện (cũ, của khóa 111) có đủ phiếu thông qua đề nghị hỗn hợp trong ngày Thứ Hai 13. Qua hôm sau, khi quý độc giả đọc bài này, trận đánh sẽ khai diễn với nhiều khó khăn hơn tại Hạ Viện vì có ít nhất 53 dân biểu bên đảng Dân Chủ sẽ chống.

Xin chào mừng quý độc giả vào sân khấu “kinh tế cũng là chính trị”...
***
Người viết sẽ trình bày sơ lược những nhận định của mình về sự thỏa thuận đó trước khi nói tới một nguyên tắc tổng quát hơn, xuất phát từ “bài học vỡ lòng” về kinh tế đã trình bày kỳ trước, trên số báo ra ngày 30 tháng 11. May ra bài học đó có thể giúp chúng ta có cơ sở phân tách chuyện đúng sai thay vì bị lạc trong mê hồn trận của các chính khách.

Ðầu tiên, thỏa thuận giữa Cộng Hòa và Obama có ưu điểm là... không làm bậy nữa. Làm bậy là tăng thuế giữa nạn suy trầm.

Khi tạm hoãn tăng thuế thêm hai năm - từ thuế cho dân trung lưu lẫn người giàu và cả thuế cổ tức lẫn thặng giá tư bản là loại thuế đánh vào động lực sản xuất - thì người ta cho giới sản xuất một án treo là hai năm. Trong hai năm tới, xin yên tâm là không bị gọt đầu nữa, cho nên có thể bung ra kinh doanh và tuyển dụng... Hai năm là thời hạn đủ dài chưa? Phe tự do bên đảng Cộng Hòa thì cho rằng nên vĩnh viễn giảm thuế vì chẳng ai dám đầu tư khi biết là hai năm nữa, thành quả đầu tư sẽ lãnh thuế!

Thỏa thuận này cũng có ưu điểm là thay thế biện pháp “tín thuế” nằm trong kế hoạch kích thích 2009 bằng việc miễn thuế lương bổng thêm một năm cho người lãnh lương. Người trả lương, là doanh nghiệp, thì không được miễn, và vẫn có nghĩa vụ trả thuế cho quỹ an sinh xã hội. Một biện pháp thứ ba là tiếp tục giảm thuế di sản - đánh trên tài sản kế thừa, như tài sản của cha mẹ chia cho con cái trong chúc thư - ở mức 35% thay vì 55%. Và sau cùng, cho các doanh nghiệp được chiết cựu tài sản đầu tư, là khấu trừ khoản tài sản sản xuất này trong căn bản tính thuế.

Nói chung, đây là các biện pháp nâng đỡ sản xuất và trước hết có lợi cho những ai có khả năng đầu tư sản xuất, là bọn nhà giàu. Vì chiều hướng này, cánh tả đảng Dân Chủ mới chống mạnh!

Chuyện thứ hai - cái bẫy của Obama - là kín đáo tăng chi, ngược với khuyến cáo giảm chi của ủy ban hỗn hợp do ông chỉ định. Sau khi tăng chi phứa phựa hai năm liền để cải tạo xã hội hơn là cấp cứu kinh tế, Quốc Hội và Hành pháp Dân Chủ tạm đồng ý là sẽ chỉ tăng chi nếu có phương tiện, tức là phải giảm chi một mục nào khác. Thỏa thuận vừa rồi lại lặng lẽ tăng chi khi triển hạn trợ cấp thất nghiệp thêm 13 tháng. Lý luận ở đây là xã hội - ưu lo cho dân thất nghiệp - và kinh tế: Trợ cấp đó sẽ nâng lợi tức và khuyến khích tiêu thụ, nghĩa là tạo sức hút cho sản xuất. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề trợ cấp thất nghiệp có giảm thất nghiệp hay không trong phần sau.

Chuyện thứ ba, quan trọng nhất, là ngần ấy thỏa thuận đều chỉ là giai đoạn: Hai năm nữa thì đôi ta cùng tính lại. Hai năm nữa, nếu tình hình kinh tế sáng sủa hơn và thất nghiệp giảm thì đấy là công của ta. Nếu chưa thì đấy là tội của đối thủ. Người ta giải quyết chuyện kinh tế vì cái hẹn với cử tri vào cuối năm 2012!
Và từ nay đến đó thì các chính khách tha hồ phát biểu suy diễn lung tung để lung lạc tinh thần cử tri.
***
Chúng ta thấy cuộc tranh luận về kinh tế và chính trị đều xoay quanh một con voi trắng lù lù giữa thị trường và chính trường, là nạn thất nghiệp, cứ mấp mé gần 10% dân số lao động trong gần hai năm sau trận suy trầm từ cuối năm 2007.

Âu Châu thì đã quen với mức thất nghiệp hai số (10% trở lên) vì chánh sách kinh tế bao cấp và xã hội của họ. Hoa Kỳ thì chưa. Lần trước mà bị là vào thời Ronald Reagan với tỷ lệ thất nghiệp là 10.8% năm 1982 khiến ông táo bạo cải cách kinh tế theo hướng tự do và tái đắc cử năm 1984. Lần này tình hình có khác vì xã hội đổi khác.

Hoa Kỳ có sự chuyển dịch qua trạng thái hậu công nghiệp với khu vực dịch vụ chiếm tỷ lệ cao hơn và khu vực chế biến thu hẹp dần như khu vực canh công trước đó. Thất nghiệp của nhân công (“áo xanh”) trong khu vực chế biến trở thành vấn đề... chính trị. Và từ nạn suy trầm 2001 sau vụ bể bóng đầu tư của công nghệ tín học, người ta thấy kinh tế có phục hồi mà thất nghiệp không giảm với cùng tốc độ. Các chính khách gọi đó là hồi phục trong thất nghiệp - jobless recovery - và đả kích đối phương.

Thật ra, đây là vấn đề khách quan - không do chính trị gây ra - và trường kỳ vì thuộc về cơ cấu của xã hội và hệ thống sản xuất. Giải pháp là giáo dục và đào tạo lại nguồn nhân dụng thì lại là chuyện lâu dài, khó có ngay kết quả trong một chu kỳ bầu cử.

Nhưng trong giai đoạn hồi phục bấp bênh sau vụ tổng suy trầm năm 2008-2009, tình hình còn bết bát hơn vì nhiều lý do khác.

Nói cho ngắn gọn thì những lý do đó là: 1) khủng hoảng khu vực gia cư khiến dân chúng khó bán nhà và di chuyển khi tìm ra việc mới; 2) cải tổ y tế khiến chi phí doanh nghiệp tăng khi tuyển thêm người toàn thời, vì vậy doanh nghiệp ngần ngại; 3) khủng hoảng tài chánh năm 2008 đánh vào khu vực ngân hàng và bảo hiểm khiến giới cổ cồn - áo trắng - cũng thất nghiệp như công nhân áo xanh của khu vực chế biến; 4) các doanh nghiệp nhân đó tìm giải pháp “gia tăng năng suất” là duy trì mức sản xuất cũ mà khỏi tuyển lại các nhân viên đã sa thải; 5) không khí chính trị bất trắc khi doanh nghiệp và nhà giầu bị kết tội, bị đe dọa kiểm soát và đánh thuế nên họ ngồi trên một núi bạc, trị giá mấy ngàn tỷ mà không dám đầu tư; 6) lồng trong vấn đề trường kỳ - sự chuyển dịch hình thái sản xuất - là tình trạng có kiến thức mà không thích hợp với nhu cầu của thị trường, tới 44% doanh nghiệp đang tìm người làm mà không ra! Sau cùng, còn một lý do nhỏ mà thành chuyện lớn là việc trợ cấp thất nghiệp kéo dài có thể khuyến khích nạn ỷ lại, không chịu khó kiếm việc. Ảnh hưởng nhỏ nhưng bị phe Cộng Hòa xé ra to, rồi cũng chịu nhượng bộ.

Ngần ấy lý do có hiệu ứng nặng nhẹ khác nhau nhưng đều sẽ kéo dài nạn thất nghiệp trong nhiều năm tới. Khi ấy câu hỏi đặt ra một cách khách quan là “phải làm gì”?
***
Bài học vỡ lòng về kinh tế là “làm gì cũng phải cân nhắc việc được/mất hay lợi và hại trong dài hạn và cho mọi thành phần”. Từ bài học đó mà áp dụng vào bài toán nhân dụng hiện nay, ta có thể nghĩ đến một chuyện dễ hiểu - mà khó áp dụng.

Ðó là xác định mục tiêu chính và mục tiêu phụ. Mục tiêu chính của hệ thống kinh tế quốc gia phải là gia tăng sản xuất, chứ không phải là tạo ra việc làm và đạt lý tưởng “toàn dụng” - ai ai cũng có việc làm - vốn dĩ chỉ là mục tiêu phụ, là hậu quả gián tiếp.

Các chính trị gia thường hay lẫn lộn mục tiêu - sản xuất hay toàn dụng, chuyện nào là ưu tiên - nên mới gây ra vấn đề kinh tế, hoặc khó giải quyết hồ sơ kinh tế trong một chu kỳ đình trệ như hiện nay.

Trong kế hoạch xây dựng Vạn Lý Trường Thành, ta có sự “toàn dụng” vì ai ai cũng bị huy động vào một dự án đầu tư của khu vực công, mà vẫn không gia tăng sản xuất. Các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc hay Việt Nam đều có mục tiêu tạo ra công ăn việc làm mà vẫn chẳng có đóng góp tương xứng cho việc gia tăng sản xuất và gây ra rất nhiều lãng phí, bên ngoài tệ nạn tham nhũng là thuộc tính của chế độ độc tài.

Ở thế giới tự do bên này, khi muốn san sẻ việc làm hay lợi tức, người ta nhắm vào mục tiêu toàn dụng - mỗi người chia cho nhau một chút việc làm hay lợi tức để mọi người đều cùng khá hơn - nhưng lại triệt phá sản xuất. Ðó là hậu quả kinh tế của các quyết định xã hội và chính trị, như thuế khóa, như nâng mức lương tối thiểu pháp định, nâng trợ cấp thất nghiệp để dân thất nghiệp vẫn có tiền tiêu thụ, hoặc giảm giờ làm việc mà không giảm lương, v.v...

Chính là mục tiêu gia tăng sản xuất - để kiếm lời - khiến các doanh nghiệp sẽ tuyển thêm người. Chẳng vì lý tưởng công bằng xã hội mà chỉ vì cái doanh lợi rất xấu xa về đạo lý! Nhưng việc tuyển thêm người như vậy là một bước tiến tới toàn dụng. Khi thấy rằng còn sản xuất thì còn có lời, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh sản xuất và tuyển thêm người. Chính quyền nên khuyến khích chứ đừng trừng phạt điều ấy và phải yểm trợ thị trường lao động và kinh doanh để doanh nghiệp tìm ra người thích hợp và công nhân tìm ra việc.

Nhìn ngược lại, việc tăng chi ngân sách hay tăng thuế để bơm tiền vào túi người nghèo vì lý tưởng xã hội và lý luận kinh tế - rằng khoản tiền đó sẽ kích thích tiêu thụ nên kích thích sản xuất - việc đó sẽ dễ kiếm phiếu cho chính khách mà không đẩy mạnh sản xuất. Khi yểm trợ sản xuất, tức khuyến khích cái vế cung trong hai về cung-cầu, người ta dễ mang tiếng là giúp bọn nhà giầu. Khi yểm trợ tiêu thụ, cái vế cầu trong hai vế cung cầu, người ta có thể tăng chi, bơm tiền và ban phát khả năng tiêu thụ để kiếm phiếu. Nhưng quyết định chính trị ấy gây hậu quả là tiếp tục khuyến khích tiêu thụ - nay lên tới 70% tổng sản lượng - và tăng bội chi ngân sách, mà không yểm trợ sản xuất.

Vì không yểm trợ sản xuất nên khó tạo thêm việc làm. Kết quả là xã hội cùng nghèo đi, nguồn thu thuế khóa bị giảm vì sản xuất ít hơn, bội chi ngân sách lại tăng và người người nhìn nhau như thủ phạm. Ðấy là lúc lý luận “đấu tranh giai cấp” trở thành ăn khách và khẩu hiệu “lấy của nhà giàu cho người nghèo” trở thành một tai họa kinh tế. Là chuyện hiện nay tại Hoa Kỳ.

Nếu không vì thiên kiến, người ta thấy rằng trong lịch sử thuế khóa và ngân sách, khi thuế suất được giảm thì nguồn thu thuế khóa gia tăng nhờ sản xuất tăng. Nhưng, thuế có tăng mà ngân sách lại tăng chi nhiều hơn - vì lý do chính đáng hay không - thì nhà nước sẽ bị bội chi. Hoa Kỳ đang gặp cả hai tai họa đó vì thuế suất biên tế - đánh trên đồng lợi tức sau cùng - thuộc loại cao nhất thế giới, trong khi bội chi ngân sách cũng lên tới mức kỷ lục.

Bị kẹt ở giữa là hơn 15 triệu người thất nghiệp.

Thành phần thất nghiệp này là “con tin” - chữ đang thành thông dụng - cho đòn phép chính trị của hai phe tả hữu. Cả hai phe đều tỏ vẻ ưu lo cho họ nhưng lại nhắm vào cuộc tranh cử tới. Chúng ta có thể phân tách và bình luận về chiêu pháp chính trị của đôi bên - hấp dẫn lắm - nhưng không thể quên nạn thất nghiệp sẽ còn lưu cữu. Vấn đề kinh tế ở đây chính là chính trị.

Còn mối họa bội chi ngân sách - có nguy cơ bùng nổ vào năm tranh cử 2012 - chúng ta sẽ tìm hiểu trong một kỳ khác.

Asia Clinic, 16h22', ngày thứ Tư, 15/12/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét