CHUYÊN TU, TẠI CHỨC VÀ BẤT CẬP

Ngày đăng: [Monday, December 06, 2010]
Hôm nay đọc báo thấy bài: Cấm cửa hệ tại chức là không công bằng của báo Thanh Niên phỏng vấn các ông GS TS đình đám về vấn đề này. Tôi có đôi lời với các ông để có cái nhìn gọi là công bằng đúng nghĩa của nó, hơn là phát biểu có cảm tính và không khoa học như các ông.

Tháng 10/2009 tôi có một bài viết riêng cho ngành y Việt nam cần thay đổi gì? về đào tạo, trong loạt 6 bài cho ngành y Việt Nam còn những bất cập và cần đổi mới tư duy trong các lĩnh vực. Thiết nghĩ bài này chỉ nhắc lại nhưng ở một góc độ liên quan nhiều lĩnh vực: giáo dục, quản lý và nhân lực cho xã hội, nên phải viết.

Ai đã từng làm việc trong hệ thống nhà nước từ thời kỳ bao cấp đến thời kỷ cỡi trói cũng nghe cây tục ngữ: "Dốt như chuyên tu/Ngu như tại chức". Thực chất câu tục ngữ này là như thế nào ta cần tìm hiểu lại văn hoá, lịch sử có mặt của nó.

Chuyên tu: Thời chiến tranh, một trong những "phát kiến" được gọi là hợp thời của cụ Phạm Ngọc Thạch riêng cho ngành y là đào tạo bác sĩ chuyên tu để phục vụ chiến trường và phục vụ cho vùng sâu, vùng xa ở các tuyến y tế cơ sở. Cho nên có những bác sĩ chỉ mới tốt nghiệp trung học cơ sở lớp 9 phổ thông trở thành 9+3 (9 năm phổ thông + 3 năm trung học y tế, bây giờ gọi là cao đẳng y tế cho hợp thời) là thành y sĩ. Sau đó họ về công tác một thời gian theo qui định thì được học tiếp bác sĩ chuyên tu 3 năm nữa thì trở thành bác sĩ. 

Sau này có những y sĩ 12+3, vì tính lịch sử của ngày hoà bình bắt buộc phải xong trung học phổ thông 12 năm và học 3 năm ở cao đẳng y tế. Rồi về làm việc một thời gian, họ lại học tiếp chương trình chuyên tu để trở thành bác sĩ.

Hầu hết các sinh viên đi học chuyên tu để trở thành bác sĩ họ không được học các môn y học cơ sở thuộc khoa học tự nhiên một cách cơ bản, nên dù họ có được học 10 hay 20 năm học cũng không thể trở thành bác sĩ đúng nghĩa, mà họ chỉ là một thợ thuốc, thợ mổ và thợ nhai lại, nếu họ chịu khó học chăm chỉ. Vì xây nhà phải có cái móng vững chãi, nhưng bác sĩ chuyên tu thì xây nhà nhưng không cần móng, thì nhà ắt sẽ đổ sập.

Một yếu tố cực kỳ quan trọng khác là hầu hết họ là cán bộ khung được cử đi học. Nên hồ sơ dự thi tuyển sinh của họ đều có thư tay của các cơ quan công quyền để họ được tuyển chọn và ưu ái. Nên các thí sinh dự thi hầu như không cần phải đèn sách như thí sinh chính quy, nhưng phải đậu.

Ngoài ra, hầu hết các học viên chuyên tu và tại chức họ bận với công việc kiếm sống và họ mất căn bản kiến thức, nên học không học thật, mà họ học giả. Đa phần họ có mặt ở thời điểm khai giảng đầu khoá, sau đó là không thấy bóng của họ ở đâu. Chỉ đến ngày thi là thi cho qua.

Tại chức: Cũng như chương trình đào tạo bác sĩ chuyên tu, các chương trình đào tạo các ngành khoa học ứng dụng như kỹ sư, các ngành khoa học xã hội như quản lý, v.v... cũng đào tạo như thế. Cũng 9+3 hoặc 12+3 và cứ thế mà nâng dần đến tiến sĩ, giáo sư v.v...

Ưu điểm: Ưu điểm của chương trình đào tạo chuyên tu và tại chức là như ông bà mình có câu tục ngữ: "vì không có chó nên bắt mèo ăn cứt" để phục vụ thời chiến tranh. Vì chiến tranh là phá hoại và không nhân bản, nên chỉ cần sức người mà không cần nhân lực thực sự. Ngoài ra, nước ta từ một nước nghèo, lạc hậu, mới thoát ra khỏi ách nô lệ lại tiếp tục cuộc nội chiến nên thiếu nhân lực, trường lớp, buộc phải đào tạo lấy ngắn nuôi dài cho cuộc "trường kỳ kháng chiến" đã qua.

Khuyết điểm: Khi hoà bình lập lại, hệ thống giáo dục không còn kiểu giáo dục sơ tán thời chiến tranh, một thời gian đã quá dài chúng ta vẫn còn duy trì hệ thống đào tạo chuyên tu và tại chức là điều rất không nên. Vì trong hoà bình chúng ta cần nhân lực để xây dựng đất nước là chủ yếu. Còn sức người cũng cần, nhưng lại là thứ yếu. 

Không biết có phải chính vì chương trình này duy trì đã quá lâu nên đã tạo ra một hệ quả ngày nay là rất nhiều giáo sư, tiến sĩ nhưng không có năng lực thực sự với học vị và học hàm của họ đã có? Nên họ đã "góp phần" rất lớn trong một hệ thống đã bất cập và làm nên những bệnh lý cho xã hội Việt nam lâu nay, mà nhìn đâu cũng thấy tha hoá và suy đồi? Chưa có ai thống kê, và nếu có thống kê chưa chắc đã được đồng ý, vì có những ý kiến như các vị GS và TS như bài báo Thanh niên đã đưa tin hôm nay.

Có những việc làm vì lịch sử và văn hoá tạo nên do yêu cầu ngắn hạn, thì người lãnh đạo và trí thức thực sự phải biết nhìn nó theo tính ngắn hạn, để phải biết dừng việc làm ấy đúng lúc, đúng thời, để giúp cho xã hội phát triển. Nếu lãnh đạo và trí thức vẫn còn mơ ngủ như ý kiến của các GSTS trong bài báo thì hy vọng gì đất nước sẽ tốt lên như ý kiến phát biểu của vị đại biểu trong các cuộc họp Quốc hội Việt Nam?

Có lẽ, các GS, TS và đại biểu quốc hội đại diện cho giáo dục như vị giáo sư trong bài báo cần phải đọc bài này của tôi để có đủ tầm cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Vì theo hiểu biết của tôi, văn bản chỉ đạo của uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng là một văn bản đúng tâm và tầm.

Asia Clinic, 13h45', ngày thứ Hai, 06/12/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét