CHUYỆN THINK TANKS BÂY GIỜ MỚI VIẾT

Ngày đăng: [Saturday, October 23, 2010]
Năm ngóai 2009, tôi có viết một bài: Thấy gì qua quyết định 97 & sự tự giải thể IDS?. Cũng lúc đó có một bài viết khá tâm huyết của tác giả Trần Kiêm Đòan với cái tựa: Trí thức Việt Nam quanh bồn trí tuệ. Gần đây có rất nhiều ý kiến đóng góp vì đang là giai đọan nước rút cho đại hội đảng lần thứ XI diễn ra vào đầu năm 2011. Trong những bài viết có tâm huyết ấy, tôi đặc biệt lưu ý đến lọat bài của tác giả Nguyễn Lương Hải Khôi về think tanks trên Tuần Vietnamnet. Tôi dặc biệt lưu ý các bài viết này vì chữ "think tanks" của tác giả là số nhiều chứ không là số ít (không có s đi với chữ tank) như các tác giả khác. Và chính điều ấy nên tôi có bài viết này.

Trước hết phải hiểu think tank (số ít) là gì? Có nhiều quan niệm khác nhau, nhưng theo hiểu biết của tôi thì think tank là một nhóm người hay một cá nhân làm công việc nghiên cứu vạch ra đường lối sách lược cho việc gầy dựng những lĩnh vực khác nhau trong một đất nước, tập đòan đa quốc gia hay một tổ chức vừa và nhỏ. Như vậy think tank có thể là một người ở một doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng là nhiều người, nhiều tổ chức, không phải là số ít khi dành cho một tập đòan đa quốc gia và càng không phải là số ít dành cho một quốc gia, vì một quốc gia cần trí tuệ để nghiên cứu và đưa ra chiến lược, chính sách phù hợp không chỉ một lĩnh vực mà rất nhiều lĩnh vực sâu rộng khác nhau. Cho nên chữ think tanks số nhiều là tôi rất đồng thuận khi dùng nó cho một tổ chức lớn tầm quốc gia và đa quốc gia.

Song cũng một bài viết của tôi về hình thái kinh tế xã hội Việt Nam đang ở đâu? Trong đó, tôi có đưa link một bài viết cũng của tôi về 2 lọai hình thái xã hội thời chiến và thời bình. Và hình thái kinh tế xã hội của Việt Nam đang là hình thái xã hội thời chiến, theo trường phái đơn nguyên. Đã là thời chiến và đơn nguyên thì những bộ phận think tanks được tập trung về một mối như hiện tại là tập thể bộ chính trị và hơn 160 trung ương ủy viên. Nên không cần thiết có bất kỳ một hay nhiều think tanks nữa. Vì lâu nay các think tanks của đảng vẫn tự hào họ là đội quân tiên phong, sáng suốt, tài tình, mưu lược đưa dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác kể cả trong thời chiến, cũng như thời bình rất "hợp với lòng dân và được tòan dân ủng hộ" đi theo. Như vậy, có cần think tanks khác nữa không? Rõ ràng không cần.

Khi đồng ý với khái niệm think tanks không cần cho xã hội đơn nguyên thì sẽ thấy rằng think tanks chỉ có khi và chỉ khi ở một xã hội đa nguyên. Nhưng có để làm gì? Là để làm cho xã hội xuất hiện những ý tưởng mới qua những nghiên cứu để đưa ra chiến lược và sách lược nhằm làm các cặp phạm trù và các qui luật duy vật luận xảy ra và đi đến thống nhất để phát triển cho phù hợp và bền vững.

Như vậy, vấn đề đóng góp, góp ý và phản biện cho các vấn đề bức xúc, nổi cộm như vấn đề bauxite Tây nguyên, vấn đề đường sắt cao tốc, vấn đề tham nhũng, etc... và đặc biệt các trí thức và người dân góp ý văn kiện đại hội đảng có cần thiết không? Có lẽ ai cũng sẽ thấy rằng cần, nhưng như đã nói ở trên, một hình thái xã hội đơn nguyên với những think tanks đã từng đưa dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và được "nhân dân ủng hộ" thì đâu cần phải đóng góp, phản biện?

Điều quan trọng cuối cùng là hơn ai hết các think tanks của đảng cộng sản Việt Nam nói riêng, và của các nước có hình thái xã hội đơn nguyên, họ sẽ là người mất quyền và lợi khi họ làm sai. Nên việc góp ý của người khác đối với họ là chỉ để cho có cái gọi là "dân chủ", còn việc góp ý, kêu gọi có giá trị với họ hay không? Theo hiểu biết của tôi là không. Điều này đã có thực tiễn hơn 35 năm qua chứng minh mà ai cũng thấy rõ. Vây thì góp ý làm gì? làm think tanks cho họ có phí sức và vô ích không?

Mấy suy nghĩ quả thật là tối dạ, tôi tự nghĩ về mình như thế. Không biết các bạn nghĩ sao?

Asia Clinic, 16h52', ngày thứ Bảy, 23/10/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét