CHUỘT LANG GIÁO DỤC II

Ngày đăng: [Saturday, January 30, 2010]
Bài liên quan:
+ Tư duy giáo dục phổ thông
+ Chuột lang giáo dục
+ Chuột lang giáo dục III

Gần đây trên báo chí(1) có nói đến chuyện trường PTTH Hà Nội Amsterdam(2) sẽ dời địa điểm và đổi tên trường thành trường chuyên Hà nội. Không biết việc làm này do ai chủ xướng và lý do gì mà lại chủ xướng để làm mất đi một danh hiệu, hay nói đúng hơn là một thương hiệu đã định hình với thế giới giáo dục toàn cầu.

Tôi nói là một thương hiệu giáo dục toàn cầu, vì những cái tên như trường Lê Hồng Phong, Phổ thông năng khiếu, Trần Đại Nghĩa, Thực nghiệm sư phạm ở TPHCM và Hà Nội Ams, trường chuyên ngữ Hà Nội và một số trường khác ở các tỉnh đã có thương hiệu không chỉ ở nước ta mà còn có tiếng đến ít nhất là nước Mỹ, mà trong cuốn: "Làm thế nào để lấy học bổng để du học Mỹ"(3) của con tôi viết do nhà xuất bản Trẻ phát hành từ tháng 9/2007 có nhắc tới các trường phổ thông và đại học Mỹ săn tìm học sinh giỏi Việt Nam ở các trường phổ thông trên để cho học bổng.

Không biết tự bao giờ, những thế hệ học sinh ra đi từ những trường trên đã tạo cho trường những thương hiệu rất đắt giá cho ngôi trường mà ngày xưa tạo ra họ. Một đất nước, doanh nghiệp, công ty, nhà trường etc... ngoài sức mạnh kinh tế thành đạt, ngày nay ai cũng phải công nhận một sức mạnh và giá trị vô hình là thương hiệu. Một khi thương hiệu định hình, không ai dám, muốn thay đổi thương hiệu đã có. Vì nhắc đến nó cả thế giới nhắc đến với sự kính trọng, tin cậy và niềm ao ước để đạt được. 


Không phải ngẫu nhiên mà các Ivy League(4) hay mười trường trung học(5) nỗi tiếng nhất nước Mỹ. Nơi đã đào tạo ra những con người danh giá không chỉ cho nước Mỹ và thế giới vẫn giữ tên, dù nước Mỹ có trãi qua những cuộc chiến với thực dân lập quốc, đến nội chiến tương tàn Nam-Bắc. Ngay cả Citibank khi muốn đổi tên thì họ vẫn không dám đổi hoàn toàn mà vẫn giữ là Citigroup!

Sau cuộc chiến dài 30 năm (1945-1975), đất nước ta đã trải qua một lần làm mất những thương hiệu trong giáo dục mà cả thế giới đã biết đến như: Petrus Ký(6), Trường Trung học kiểu mẫu,(7) Trường Bưởi,(8), Gia Long(9) etc... Chúng ta bắt đầu làm lại từ con số không, thậm chí là âm. Rồi những người thầy, người cô trên bục giảng và sự cần mẫn của học trò đã làm lại thương hiệu cho các trường. Thế nhưng hôm nay vì cớ gì lại đổi tên trường Hà Nội-Ams? 

Tên trường Hà Nội-Ams không là của riêng ban giám hiệu hay của các nhà làm quản lý Hà Nội, mà tên trường là mồ hôi, nước mắt và trí tuệ của hàng bao nhiêu thế hệ thầy cô và học sinh làm nên trong 25 năm qua.

Không vì cái tên xấu hay vì phải gắn cái nhãn hiệu nghe đinh tai nhức óc, hay vì một mục đích nào đó phi nhân bản, mà bỏ đi thương hiệu đã định hình. Nó không chỉ là giá trị tinh thần không gì đổi chác được. Mà nó còn là nói lên cái văn hóa nhân bản với cái cũ, cái một thời thương đau, một thời gầy dựng. Không vì cái văn hóa vô tình, phi nhân bản, thiếu chữ tín mà có mới nới cũ, thấy người sang bắt quàng làm họ.

Tại sao các di sản văn hóa thế giới người ta có đưa ra 2 loại là di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể? Có lẽ các nhà quản lý chính quyền và giáo dục cũng cần học lại những khái niệm, tuy đơn giản nhưng rất văn hóa trước khi làm ngành giáo dục chăng? 

Tên một tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường, etc... thì dễ tìm, nhưng để cái tên đó vang danh bốn bể thì khó lắm. Không biết vì lý do gì mà đổi tên trường Hà Nội-Ams, nhưng qua đó, chúng ta cho thế giới thấy rằng chúng ta sống thiếu văn hóa, thiếu nhân bản và bất tín. Hãy cân nhắc việc này thật kỹ càng trước khi quyết định vẫn chưa muộn.


Giáo dục nước nhà đã và đang tệ hại, nhưng quí vị lại đi xóa đi thương hiệu uy tín cho giáo dục nước nhà thì quí vị có tội lớn với dân tộc và đất nước không? Giấy rách phải giữ lấy lề. Câu nói ngàn đời của ông cha ta không hề sai bao giờ. 


Năm 2009 là năm Việt Nam lấy làm năm ngoại giao văn hóa(10). Năm 2009 vừa mới đi qua, chưa làm rụng hết những chiếc lá mùa đông và những lộc biếc mùa xuân chưa kịp ra đời, thì quí vị đã quên mất chữ văn hóa như thế nào rồi. Làm quản lý mà không am hiểu văn hóa thì sẽ đầy tổ chức đến chỗ lụi tàn. Làm giáo dục mà không hiểu biết văn hóa thì chỉ có giết giáo dục như lâu nay là điều không lạ.

Rất mong bài viết ngắn này có tác dụng đến các nhà quản lý Hà nội. Một vùng đất ngàn năm văn vật, nơi luôn tự hào là cái gốc văn hóa dân tộc, nhưng đang làm một hành động chưa được văn hóa. Qua đây tôi cũng rất mong các nhà quản lý giáo dục nước nhà đọc và suy nghĩ về thương hiệu giáo dục nước nhà.

Asia Clinic, 12h30 ngày 30/01/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét