CHỌN TRƯỜNG ĐẠI HỌC DU HỌC MỸ NHƯ THẾ NÀO?

Ngày đăng: [Monday, August 16, 2010]
Nước Mỹ đã trở thành một cường quốc số một thế giới không chỉ về kinh tế, quân sự, chính trị, khoa học, nhân quyền và dân chủ, v.v... mà còn là số một thế giới về giáo dục đại học. Gần đây, có nhiều thông tin không biết vô tình vì thiếu hiểu biết hay cố ý của một số trường đại học Việt Nam đi chọn một số trường đại học chưa được công nhận của Mỹ để hợp pháp hóa nhu cầu bằng cấp cho dàn cán bộ khung của chính quyền Việt Nam. Đây là một sai lầm rất nghiêm trọng, nó có thể di hại đến đất nước Việt hàng trăm năm sau khó mà sửa chữa được. Bài viết này với mục tiêu đem đến cái nhìn thực tế nhất để chọn trường đại học ở Mỹ và chiến lược cụ thể cho từng đối tượng trong việc chọn trường. Nó đã được gửi đến tòa sọan đã 1 tuần nhưng chưa thấy đăng, nên tôi post lên blog để cộng đồng phụ huynh học sinh trong nước có cái nhìn đúng khi chọn trường đại học Mỹ cho con em mình, khi cần.

Sau khi đã biết cách tìm kiếm trường đại học ở Mỹ được công nhận hay không công nhận rồi. Công việc của phụ huynh có con em đi du học tiếp theo là chọn trường cho con em mình phù hợp với ngành nghề nó yêu thích và phù hợp với chiến lược học tập của từng gia đình là một việc cần thiết. Như vậy để đáp ứng với chiến lược học tập của từng cá nhân ấy như thế nào? Bài viết này xin đáp ứng điều ấy cho những ai có con em mình sẽ, và đang du học ở Mỹ.

Trong chiến lược học tập có 2 loại chiến lược cho con em: chiến lược ngắn hạn và chiến lược dài hạn. Trong chiến lược ngắn hạn là hòng để đáp ứng cho việc học xong cử nhân và ra đi làm ngay có hiệu quả, mà gia đình và bản thân du học sinh chưa đủ khả năng đáp ứng học thêm sau đại học. Còn chiến lược dài hạn là chiến lược dành cho gia đình và du học sinh có thể tiếp tục làm một mạch xong tấm bằng cao nhất trong khoa học là PhD hay MD, v.v... rồi mới đi làm. Có 4 vấn đề lớn cần quan tâm khi chọn một trường đại học ở Mỹ cho con em mình khi phụ huynh quan tâm đến du học ở Mỹ như sau:

Xếp hạng đại học ở Mỹ: Câu chuyện xếp hạng theo USnews từ trước năm 2008 là một sự tranh cãi kéo dài hàng chục năm giữa các trường và các giáo sư đại học với nhau. Đối với nước Mỹ, các trường đại học luôn đáp ứng cho mọi lứa tuổi và mọi nguyện vọng cho người học. Vì vậy việc phân loại xếp hạng chung cho các trường đại học luôn có tính tương đối, đặc biệt với xếp hạng mà các bậc phụ huynh và báo chí nước ta thường hay lấy ra để làm chuẩn mực là USnews. Điều này có nghĩa là một trường đại học có xếp hạng 1 nước Mỹ như Harvard, không có nghĩa là tất cả các chuyên ngành của Harvard là số một nước Mỹ. Vì dụ: nếu đem so sánh chuyên ngành engineering (kỹ sư) của Harvard thì không thể sánh bằng với chuyên ngành đào tạo engineering của University of Houston(UH). Mặc dù UH không nằm trong 100 đại học hàng đầu của nước Mỹ. Chính điều này mà từ năm 2008 đến nay bảng tin USnews không còn làm theo kiểu xếp hạng toàn trường như cũ, mà họ chuyển sang cách xếp hạng theo ngành học, top đại học công lập (top public schools),  đại học danh giá nhất (Best Colleges), đại học ưu ái về học phí nhất (Economic diversity), v.v...

Các loại đại học của Mỹ: Ở Mỹ vì tính phổ cập giáo dục đại học đến người dân để thực hiện mục đích công bằng trong giáo dục, nên có hai loại trường đại học: two year college (community college: cao đẳng cộng đồng) và four year college. Ở four year college chỉ đào tạo cử nhân trở lên. Trong khi đó ở two year college có 3 chương trình đào tạo: (1) Transfer program (đào tạo kiến thức chính qui phục vụ cho chuyển trường) là đào tạo kiến thức chính quy 2 năm đầu của một sinh viên cần học cử nhân, nhưng học phí giá rẻ hơn nhiều lần so với four year college. Sau khi học 2 năm đầu kiến thức cơ bản của cử nhân, sinh viên xác định chuyên ngành mình chọn sẽ làm hồ sơ chuyển trường sang four yaer college để học tiếp cho hết cử nhân. (2) Vocational training (đào tạo hướng nghiệp) là loại hình đào tạo chỉ 1 năm, không cấp bằng (degree) mà chỉ cấp giấy chứng nhận (cerfiticate). (3) Academic training (đào tạo chuyên viên lành nghề) là chương trình đào tạo giống như cao đẳng dạy nghề như ở ta, chương trình chỉ dạy 2 năm về một nghề hữu dụng nào đó như: Computer Technician, electronic technician, accounting, nurse, marketing, business, etc... Những người này được cấp bằng (degree) như, AAS: Associate Applied Science hay bằng AS: associate of Science.

Chiến lược phát triển của đại học Mỹ: Khác với thế giới, ở Mỹ mỗi trường đại học đều có một chiến lược phát triển riêng tạo nên sự đa dạng cho tất cả mọi người trên thế giới tha hồ chọn lựa theo sở thích, tài năng của mỗi cá nhân. Không trường nào dẫm chân lên chiến lược của trường nào trong suốt quá trình phát triển và trưởng thành của chúng. Có trường chủ yếu phát triển theo đại học nghiên cứu là chính, có trường có chiến lược theo hướng đại học thực hành là chính. Có trường tập trung vào chiến lược phát triển khoa học tự nhiên là chính, có trường tập trung vào phát triển khoa học xã hội là chủ yếu, v.v... mặc dù tất cả các đại học Mỹ luôn bao gồm nhiều chuyên ngành của cả tự nhiên và xã hội chứ không như kiểu trường đại học của ta, khi chưa có các đại học quốc gia (national university). Nếu nhìn sâu hơn nữa thì ta sẽ thấy trong chiến lược phát triển của một trường đại học Mỹ lại chỉ chú tâm vào 1 hoặc 2 chuyên ngành rất mạnh, dù nó không có tên tuổi trên các bảng xếp hạng nào cả. Ví dụ: Green Mountain College là một four year College thuộc Liberal of Art College ít tên tuổi, nhưng về các chuyên ngành Biology và Enviromental science chưa chắc các đại học danh tiếng nhất nước Mỹ đã có thể hơn!

Khái niệm đại học: Một yếu tố quan trọng không kém mà mọi người ở trong nước hay nhầm lẫn là cứ hễ được đặt tên University là đại học, còn college là coi thường xem là cao đẳng. Khác với các nước châu Âu, khi đặt tên University đòi hỏi trường đó phải có cơ hữu ít nhất 4 chuyên ngành: triết học và thần học, giáo dục, y khoa và luật khoa. Còn ở Mỹ, không theo qui luật đó của châu Âu, vì có trường không có đủ cơ sở vật chất và con người để thành lập khoa y vẫn cứ đặt tên là University. Nên nước Mỹ chia làm 2 loại đại học là: National University (NU) và Liberal of Art College (LAC). Sự khác nhau của 2 loại trường UN và LAC là ở độ lớn về khuôn viên, giảng viên, giáo sư, số lượng các chuyên ngành, số lượng sinh viên đang đào tạo hằng năm, mức độ lớn của thư viện trường có số đầu sách, và cấp học được đào tạo ở LAC nhỏ hơn NU, chứ không phải chất lượng giảng dạy hay đầu ra của sinh viên được đào tạo.

Sau khi đã tổng hợp 4 yếu tố trên cha mẹ và bản thân sinh viên du học sẽ sắp đặt những yếu tố sau của riêng hoàn cảnh của mình để có cách chọn lựa đúng cho trường mà mình sẽ đến Mỹ để học. Những yếu tố đó như sau:
1. Khả năng ngoại ngữ của cá nhân đi du học đủ hay không? Tối thiểu cho college là 550 điểm on paper tương đượng với iBT là 79-80 điểm. Nếu muốn lấy học bổng phải hơn hoặc bằng 95 điểm iBT.
2. Khả năng học tập thể hiện ở điểm trung bình (GPA: Grade Point Average), điểm thi nhập học đại học (SAT: Scholastic Admission Test hay ACT: American College Test) có thể lấy học bổng hay không?
3. Hoàn cảnh kinh tế đủ để học đại học hay không?
4. Chiến lược học tập đại học ngắn hay dài?

Tổng hợp hết các yếu tố trên sẽ cho một định hướng chỉ học ra cử nhân và đi làm, rồi sau đó có cơ hội đi học sau đại học hay học liên tục lên hết các cấp cho từng hoàn cảnh. Ví dụ: một học sinh có khả năng tài chính để học dài hạn lên tất cả các cấp không cần học bổng, khả năng học tốt, nhưng khả năng tiếng Anh chưa đủ thì nên chọn two year college ngay từ đầu để dễ dàng tiếp cận một nền văn hóa mới, học hỏi ngôn ngữ bản xứ bằng chương trình ESL (English as a Second Language) rồi vào transfer program của two year college, sau đó chuyển sang four year college học hết cử nhân. Khi chuyển four year college điều tối quan trọng là chọn trường có chuyên ngành mà mình thích mạnh chứ không cần vào các trường danh giá. Ưu điểm vào các trường có ngành mình chọn mạnh nhưng không danh giá là mình có thể cạnh tranh làm team leader cho nhóm nghiên cứu trợ lý cho giáo sư hoặc mình có thể cạnh tranh là assistant teaching cho giáo sư. Đó là điểm son trong lý lịch khoa học và giảng dạy. Nếu ôn luyện tốt GREE, GMAT, PCAT, DAT, LSAT, v.v... lấy điểm các test nhập học sau đại học này cao, đồng thời có ý tưởng mới, thì cơ hội đi thẳng lấy PhD ở một trường đại học danh giá là chuyện trong tầm tay. Điều này đã được chứng minh trên thực tế nhiều người Việt di dân khi tuổi đã cao và thành đạt trên đất Mỹ với tấm bằng PhD hay MD, etc... ở những trường đại học danh giá với khởi đầu bằng two year college (Community College: cao đẳng cộng đồng). Nó nói lên nước Mỹ là đất cho mọi cơ hội, khởi nguồn bằng tư duy giáo dục: công bằng trong giáo dục ở mọi sắc tộc, màu da, trình độ và lứa tuổi!

Tóm lại, tiềm năng của con người là vô hạn, chuyện chọn trường đại học ở Mỹ là một kế hoạch cần tỷ mỷ và chi tiết. Nếu có kế hoạch tốt phụ huynh và bản thân học sinh sẽ thành công mỹ mãn, dù trong tất cả các yếu tố hội đủ chưa trọn vẹn. Nhưng, nếu sai kế hoạch có thể biến một học sinh đang có khả năng học tốt trở nên thất bại như một bài viết của tôi gần đây.

Asia Clinic, viết xong 15h26' ngày thứ Hai, 09/8/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét