BÓNG MA BẢO HIỂM Y TẾ: KỲ CUỐI

Ngày đăng: [Tuesday, May 04, 2010]
Bài này phải đăng sớm vì ngày mai có nhiều chuyện hấp dẫn phải đăng. Hehehe  Những bài cần đọc thêm: Kỳ IKỳ II.

CẢI TỔ Y TẾ CỦA CHÍNH PHỦ ÔNG OBAMA CÓ NHỮNG GÌ?

Mọi nổ lực của chính phủ ông Obama trong cải tổ y tế là làm sao giảm thiểu một cách tối ưu cho những kẽ hở pháp luật không chung tay với nạn tham nhũng do bảo hiểm y tế mà tôi đã nói đến trong kỳ II: Các loại hình bảo hiểm y tế và kẽ hở của nó. Song chủ yếu vấn nạn thâm thủng ngân sách chính phủ Mỹ chủ yếu là người mua bảo hiểm y tế do các hãng bảo hiểm tư nhân kinh doanh vì lợi nhuận. Nó không giống như các hãng bảo hiểm của Đức, Canada hay của Pháp. Nên mục đích cải tổ y tế của ông Obama là cải tổ một hệ thống bảo hiểm y tế vì lợi nhuận sang một hệ thống bảo hiểm y tế phi lợi nhuận.

Chính vì thế lần cải tổ này là lần mà ông Obama muốn xóa đi sự thống trị của các nhà tài phiệt đứng đằng sau các hãng tư nhân. Hành động này là một hành động dũng cảm quên mình vì nghĩa lớn của ông. Nó có cái giá phải trả như TT thứ 7 Andrew Jackson, TT thứ 16 Abraham Lincohn và TT thứ 35 John F. Kenedy đã muốn lấy quyền in đồng đô la Mỹ ra khỏi FED về cho chính phủ. Một nhiệm vụ bất khả thi mà đảng của ông đã kiên trì đấu tranh trong suốt 6 thập kỷ qua, nhưng chưa bao giờ thực hiện được.

Mục tiêu ban đầu của chính sách cải tổ:
Để làm được mục đích bảo hiểm y tế phi lợi nhuận, ông Obama đã vạch một chương trình hành động với sự ra đời của một bản dự thảo mà trong đó cho ra đời một tổ chức có tên là Health Insurance Exchange(HIE) do chính phủ điều hành để hoàn thành những mục tiêu có thể tóm tắc cụ thể như sau:

1. Bảo vệ người tiêu dùng bảo hiểm y tế thông qua làm hạ giá thành mua bảo hiểm y tế.

2. Điều hành tín dụng để giúp những người có thu nhập ở tầng lớp trung lưu và thấp có điều kiện mua bảo hiểm y tế. Cụ thể như tăng thuế cho người thu nhập cao lớn hơn hoặc bằng 200.000USD/năm và đóng thuế vào tiền mua bảo hiểm y tế đối với những người mua loại bảo hiểm giá cao, mà từ trước tới nay không được đóng. Và đến 2014, tất cả người dân Mỹ phải bắt buộc mua bảo hiểm y tế, dù giàu hay nghèo. Ai không mua bảo hiểm y tế sẽ bị chế tài 2,5% của mức lợi tức chịu thuế hằng năm.

3. Tạo ra một loại hình bảo hiểm cộng đồng(Public Insurance Option) cạnh tranh đa cực với các hãng tư nhân về mặt giá cả và dịch vụ chăm sóc khách hàng, hòng làm hạ thấp tham nhũng trong bảo hiểm y tế do các hãng tư nhân một mình, một chợ thao túng thị trường trong quá khứ.

4. Thành lập một tổ chức gọi là Ủy ban tư vấn(Advisory Committee) gồm 15 người do TT đề cử và quốc hội biểu quyết. Đây là một ủy ban độc lập do cả hành pháp và lập pháp quyết định. Họ có nhiệm vụ ấn định chi trả bảo hiểm y tế giống như tổ chức NICE(National Institute for Health and Clinical Excellence) của Anh quốc, mà tôi đã có nói ở kỳ II.

5. Đặt vấn đề phòng bệnh cho cộng đồng lên cao hơn xưa và giảm thiểu sai sót nghề nghiệp của thầy thuốc trong các qui trình chẩn đoán, điều trị và tiên lượng bệnh thông qua ủy ban tư vấn.

Thành công và thất bại của ông Obama:
Một chương trình rất khoa học và biện chứng về mặt triết học, qua đó nói lên tính nhân đạo về mặt nhân sinh quan. Nhưng không đơn giản như ông nghĩ và làm. Rõ ràng, nếu nhìn vào những mục tiêu trên chúng ta thấy các hãng bảo hiểm tư nhân của các ông Trùm tài phiệt theo đảng Cộng Hòa sẽ đến ngày diệt vong.

Năm mục tiêu trên đã bị các công ty bảo hiểm tư nhân và các nhân vật của đảng Cộng Hòa trong hạ và thượng viện bác bỏ với nhiều lý do. Trong đó lý do quan trọng nhất là họ chỉ trích ông Obama và chính phủ của ông muốn đưa nền kinh tế thị trường tự do trở về nền kinh tế bao cấp của phe Cộng Sản. Một điều tối kỵ trong tư duy của người dân đất nước cờ hoa. Họ cho rằng chính phủ vi phạm quyền cạnh tranh công bằng và xâm phạm vào quyền tự do cá nhân của người dân muốn lựa chọn mô hình bảo hiểm mà họ mong muốn. Nếu làm theo ông sẽ đi đến độc quyền của nhà nước về bảo hiểm y tế. Sự độc quyền ấy sẽ dẫn đến những hệ lụy về quan liêu và tha hóa, trì trệ trong phát triễn y học nước Mỹ đang là đầu tàu của thế giới hiện nay, có thể sẽ tụt hậu trong tương lai.

Cuối cùng để dung hòa cho cả hai bên thượng viện đưa ra yêu cầu: Chính phủ không được thành lập bất kỳ một hãng bảo hiểm công nào để cạnh tranh với các hãng tư nhân. Và chính phủ ông Obama phải rút đi mục tiêu tối quan trọng là tạo ra sự cạnh tranh công bằng giữa nhà nước và tư nhân trong bảo hiểm y tế theo nghĩa của ông. Và các hãng quay lại ủng hộ nhiệt thành, để rồi khuya hôm ngày 21, rạng sáng 22/3/2010 ông Obama có được chữ ký do dự luật cải tổ y tế của mình với 22 cây bút!

Chính sách cải tổ y tế của ông Obama đem đến gì?
Ai được? Có 3 nơi được lợi ích với chính sách cải tổ của ông Obama.
+ Giới người nghèo sẽ không còn tình trạng chết vì bệnh như mẹ của bé Marcelas Owens, vì đến năm 2014 tất cả 42 triệu dân Mỹ chưa có bảo hiểm y tế, trong đó 32 triệu người thu nhập thấp chưa có bảo hiểm y tế sẽ được cung cấp bảo hiểm y tế.
+ Chính phủ Mỹ, theo ước tính trong vòng 10 năm tới họ sẽ giảm được thâm hụt ngân quỹ quốc gia nhờ vào tăng thu giảm chi mỗi năm lên đến 138 tỷ đô la. Những khoảng tăng thu chủ yếu nhằm vào con số 1% của dân Mỹ có thu nhập cao từ 200.000 đô la Mỹ trở lên mỗi năm. Cộng thêm với tiền thuế phải đóng cho tiền mua bảo hiểm y tế loại cao  lên đến 27.500 đô la mỗi năm, mà trước giờ khoản này không được đóng.
+ Các hãng bảo hiểm tư nhân vẫn còn quyền lợi chia phần miếng bánh bảo hiểm y tế. Dù giá thành các dịch vụ sẽ giảm đi khi ủy ban tư vấn hoàn thành chức năng của mình như NICE của Anh quốc. Nhưng bù lại, các hãng bảo hiểm tư nhân có thêm 42 triệu khách hàng mới. Bù qua sớt lại cái vòi hút máu và hút công quỹ quốc gia vẫn tồn tại. Phần lợi nhuận của các hãng tư nhân vẫn còn.

Ai mất? Có 3 vấn đề bị mất trong cải cách y tế như sau:
+ Các ông chủ và người lao động chân chính phải móc hầu bao nhiều hơn cho bảo hiểm y tế nước Mỹ. Đặc biết với số 1% ưu tú của nước Mỹ, mà trước đây đã bỏ quên. Người ta bảo lâu nay nước Mỹ vì quyền lợi của 1% ưu tú để hút máu tầng lớp thấp. Với luật này nước Mỹ biết san sẻ nỗi khổ cho tầng lớp ưu tú.
+ Các cá nhân hành nghề y và các nơi cung cấp dịch vụ y tế sẽ giảm phần thu qua việc luật cải tổ khống chế giá thành và số lượng dịch vụ cung cấp cho mỗi loại bệnh tật cụ thể.
+ Một cách tổng thể chính sách cải tổ y tế của ông Obama là thất bại hoàn toàn khi mục đích đề ra là biến một hệ thống bảo hiểm y tế nước Mỹ đang vì lợi nhuận sang phi lợi nhuận, nhưng mục đích này không thực hiện được.

Tóm lại, mặc dù có thể trong tương lai thâm thủng ngân sách chính phủ Mỹ sẽ giảm thiểu. Nhưng mục đích biến một hệ thống bảo hiểm y tế vì lợi nhuận của các hãng tư nhân thành một hệ thống bảo hiểm phi lợi nhuận để giảm gánh nặng tài chính cho chính phủ và người dân Mỹ thì ông Obama bị phá sản. Cuối cùng ông chỉ làm công việc chuyển gánh nặng bảo hiểm y tế của chính phủ Mỹ sang người dân Mỹ. Ông chuyển chiếc vòi hút máu của những con bạch tuộc từ cả hai chính phủ và nhân dân Mỹ sang chỉ còn người dân Mỹ phải gánh, mà cụ thể gánh phần nhiều là số 1% dân ưu tú Mỹ. Dẫu sao vẫn hy vọng trong tương lai không xa, thế hệ con cháu tương lai nước Mỹ sẽ làm công việc còn dang dỡ của ông Obama. Đây là một bài học xương máu không chỉ cho nước Mỹ mà cho toàn thế giới khi các tài phiệt nắm quá sâu vào chính trường của một đất nước.

BS Hồ Hải, viết xong lúc 15h12’ ngày 23/4/2010. Đăng trên báo Tia Sáng số ra ngày 05/5/2010

Đăng nhận xét

0 Nhận xét